ĐỪNG CHỈ NHÌN THẤY CÓ HIỆN
TƯỢNG THỦY TIÊN MÀ PHỚT LỜ CÔNG SỨC CỦA BAO NGƯỜI
Việc ca sĩ Thủy Tiên vận động
được số tiền trên 150 tỷ để ủng hộ đồng bào miền Trung trong trận lũ
kinh hoàng này là điều rất đáng trân trọng. Sự ủng hộ nồng nhiệt đó
không phải cá nhân nào cũng làm được đâu. Đó là tấm lòng nhân ái của
cô ấy xuất phát từ cái tâm dành cho đồng bào mình. Cá nhân tôi rất cảm
kích và ủng hộ việc làm của cô ấy.
Tuy nhiên, tôi thấy nhiều
người dường như chỉ nhìn thấy Thủy Tiên cứu trợ cho đồng bào miền
Trung thôi mà đã cố tình phớt lờ công sức mồ hôi, nước mắt và cả sự hy
sinh của biết bao người. Một hiện tượng Thủy Tiên được ca ngợi, nổi bật
trong vùng tâm bão lũ. Nhiều người đã thần thánh hóa, tâng bốc cô ấy
như một cô tiên, ông bụp xuất hiện để cứu giúp người dân. Tôi nghĩ,
đó chỉ là một hiện tượng. Một hiện tượng, một cú hít được tạo ra
bất ngờ, lạ lẫm. Sự bất ngờ này không phải bỗng dưng mà có được
đâu các bạn. Đó là cả quá trình vun vén, gầy dựng, tạo lập uy tín,
niềm tin của công chúng dành cho Thủy Tiên. Thực tế thì đâu chỉ có 1 hiện
tượng Thủy Tiên hay một số cá nhân đi làm từ thiện đâu các bạn. Các bạn chỉ
quen nhìn thấy bề nổi, mà đó lại là bề nổi trên không gian mạng xã hội
này. Như thế, liệu có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện về vấn đề
không các bạn?
Bão lũ nổi lên, rồi các vụ sạt lở
đất kinh hoàng liên tiếp xảy ra điều có sự vào cuộc từ rất sớm của các
ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là lực lượng vũ trang nhân
dân. Hay nói đúng hơn đó là sự chung tay, tiếp sức của cả hệ thống chính
trị. Lũ bất ngờ dâng cao ngập tận nóc nhà, ai cứu dân ra? Dân bị cô lập
trong dòng lũ xoáy, nơi mà xuồng ghe không thể tiếp cận được thì ai mang
từng hộp cơm, gói mì, lương khô bơi qua dòng nước tiếp tế cho dân? Ai
xông vào khiêng vác di dời tài sản, vật dụng trong nhà cho dân đến nơi an
toàn? Những công việc ấy mang ý nghĩa rất lớn đối với dân, nhưng lại
rất thầm lặng. Bởi các anh chỉ lặng lẽ làm, xem đó là trách nhiệm
xuất phát từ trái tim và lòng yêu thương đồng bào mình. Các anh không
phô trương, không hình thức, chỉ làm theo bản năng, chỉ đạo của cấp
trên. Có chiến sĩ vừa bưng chén cơm lên nhưng rồi lại đặt xuống và
tiếp tục lao vào vùng tâm lũ. Nhịn đói cả ngày, nhưng nghĩ tới cảnh
người dân phải vùng vẫy, cầu cứu trong biển nước, các anh như quên ăn,
quên nghỉ. Các anh lao vào dòng lũ đến kiệt sức mà mắt vẫn đau đáo
hướng về những nóc nhà chỉ còn nổi lên một vệt đen dài như tàu lá
chuối. Cả ngày quần áo ướt sũng, tay chân trắng bệt, da nhăn nhúm vì
ngâm nước liên tục. Như thế thì làm sao có những bức ảnh lung linh,
các clip rõ nét như các đoàn đi làm từ thiện được chứ?.
Các đoàn từ thiện đi vào
vùng lũ, thật ra cũng chỉ dám cho xuồng đến những nơi không ngập sâu,
ít nguy hiểm. Các bạn có xem các clip trao từ thiện của Thủy Tiên ở
vùng lũ miền Trung những ngày qua không? Đoàn đi cả 1 ekip, có đến 5-7
xuồng, chuyện trò rôm rả. Những bức ảnh chụp lại cảnh trao tiền,
phát quà cứu trợ cho bà con rất rõ nét và sống động. Phải chủ động
và canh từng chi tiết mới chụp và quay được như thế. Thậm chí đoàn còn
cử hẳn thành viên quay phát trực tiếp trên trang cá nhân, youtube về
hành trình hàng ngày của họ. Phía sau ekip này là một nhóm truyền
thông đang chực chờ sẵn để đón lấy thông tin. Thủy Tiên muốn đẩy lên
tận đâu mà chẳng được. Chuyên nghiệp quá đúng không? Đó là bề nổi,
nổi như con nước dâng lên đó thôi. Đừng chỉ nhìn bề nổi đó mà quên đi
rằng, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vất vả, vật lộn với
biển nước để giúp dân.
Phải công nhận một điều
rằng, thời đại công nghệ 4.0, mọi thứ đều rất hiện đại và nhanh. Đi
làm từ thiện, họ có thể quên mang theo những món đồ khác, nhưng
chiếc điện thoại, máy ảnh và cây gậy tự sướng thì họ không bao giờ
quên. Trao gói mì cũng phải chụp, đưa chai nước cũng phải có hình
ảnh, thấy bà con bì bõm lội nước cũng phải tranh thủ quay clip cho
bằng được… Thế là ngay sau đó, trên mạng xã hội đầy rẫy những hình
ảnh các đoàn đi làm từ thiện. Vậy đó, nên có những ý kiến cho rằng
chỉ thấy “dân giúp dân”, còn lực lượng cứu hộ, cứu nạn đâu không
thấy. Không thấy là đúng rồi, bởi có xem, đọc các báo, đài chính thống
đâu mà cập nhật thông tin. Thói quen thích nuôi Facebook, ăn cũng
Facebook, ngủ cùng Facebook, trao từ thiện cũng phải quăng vào Facebook…
và cập nhật thông tin cũng từ Facebook. Mà Facebook là gì? Chỉ là
mạng xã hội của thế giới ảo thôi. Vậy thì được bao nhiêu phần trăm
là sự thật từ thế giới ảo này.
Xin đừng ai thốt lên lời cay
đắng, bạc bẽo rằng: Lực lượng cứu hộ, cứu nạn được nuôi từ tiền
thuế của dân, nên cứu giúp dân là chuyện đương nhiên phải làm, không
cần phải nhắc tới. Tiền thuế của dân sử dụng vào nhiều việc, mục
đích lắm các bạn. Con đường hằng ngày bạn đi cũng từ tiền thuế của
dân đó. Trường học, bệnh viện, công viên… phục vụ cho con cháu của
bạn cũng từ tiền thuế của dân mà ra. Bạn cũng đang hưởng từ tiền
thuế của dân đó. Vậy sao bạn không ra vùng lũ mà ngụp lặn cứu giúp
dân đi?.
=====
Dương Thùy Trang
TRƯỞNG THÔN - NHỮNG NGƯỜI ĂN CƠM
VỢ, LÀM VIỆC LÀNG, VIỆC XÓM!
-------------
Mấy ngày hôm nay dư luận xôn xao
về việc thôn Ngoạ Cương, xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thu lại
số tiền do ca sỹ Thủy Tiên chuyển ủng hộ cho 69 hộ dân để bình xét và chia lại
cho 150 hộ dân trong thôn. Nhiều người lên mạng xã hội để mạt sát, chửi rủa Ban
Nhân thôn, nguy hiểm hơn, có người lấy đó tạo cớ để xuyên tạc, bôi nhọ chính
quyền. Đợt mưa lũ lần này đã phát sinh, bộc lộ rất nhiều điều khiến những người
có lương tri phải suy nghĩ rất nhiều.
Thứ nhất, việc gom góp, vận động
của ca sỹ Thủy Tiên và nhiều tổ chức, cá nhân đến với khúc ruột miền Trung là rất
nhân văn, tuy nhiên, đây là việc làm tự phát và khi về với cơ sở thì đa số
không thông qua chính quyền. Họ trực tiếp về tận thôn, làng nên chắc chắn việc
cấp, phát quà cho người dân là không thể không có thiếu sót. Nhiều hộ, nhiều
thôn bị ảnh hưởng nặng có thể không tiếp cận được hàng cứu trợ, những nơi gần
trục đường hơn, bị ảnh hưởng ít hơn lại nhận được nhiều quà. Trong cùng một
thôn nhưng người có, người không, vậy nên việc một số thôn thu hồi lại toàn bộ
số tiền để chia đều cho mọi người, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của đa số hộ
dân là hợp lý. Trưởng thôn làm vậy cũng chỉ để bảo đảm tính công bằng chứ không
hề vụ lợi gì ở đây cả.
Thứ hai, ngày xưa khi mà truyền
thông và các phương tiện đưa tin còn hạn chế, hàng cứu trợ và các đoàn thiện
nguyện hầu như không có thì người miền Trung họ vẫn tự cung tự cấp, tự đùm bọc
lẫn nhau, chia sẻ cho nhau từng miếng cơm, manh áo khi mùa mưa bão đến và Trưởng
thôn chính là đầu tàu để giúp dân trong xóm, làng ổn định đời sống. Tiền giúp
làng, giúp xã cả tháng trời cũng mấy trăm ngàn đồng nhưng có thể khẳng định là
chỉ những người có uy tín cao nhất của làng thì mới được bầu làm Trưởng thôn.
Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng. Vậy nên, khi chưa hiểu rõ bản chất của sự việc
thì đừng có tùy tiện thoá mạ người khác. Chính quyền cấp Quảng Trạch cũng đừng
có chạy theo đuôi quần chúng mà vội quy chụp, phê bình Trưởng thôn, họ làm rất
chuẩn đấy.
Thứ ba, Có câu "không sợ thiếu,
chỉ sợ phân phối không công bằng", câu đó rất đúng với hoàn cảnh lũ lụt miền
Trung hiện nay. Đây là cách làm hay, thể hiện sự công bằng, bảo đảm ai cũng được
hỗ trợ một phần khi gặp thiên tai, lũ lụt. Cái chúng ta cần lên tiếng chính là
cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, vừa mở lối cho việc cứu trợ,
thiện nguyện được thuận lợi, vừa hợp lý, hợp tình. Cần phải có sự vào cuộc thật
quyết liệt của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể địa phương, vì suy cho
cùng thì họ mới hiểu rõ những thôn nào, hộ nào cần được hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời,
cân đối hợp lý để bảo đảm tính công bằng. Thiện nguyện là rất tốt, rất nhân văn
nhưng cách làm là chưa ổn./.
------------
Lão chăn bò DVK-MNQ
Bàn chút về từ thiện
Mỗi khi rằm hay lễ gì đó, quí
vị thường thấy các thiện nam tín nữ ngoài đồ cúng còn mua chim, cá phóng sanh
tích đức. Những con chim, con cá đang bị nhốt trong lồng kêu gào khổ sở được mọi
người thả ra ngoài nó hoan hỉ và sung sướng làm sao. Thế nhưng sau khi cái hoan
hỉ và sung sướng đó tàn thì những con chim, con cá đó sống ra sao người ta
không cần biết.
Có một vòng lặp giữa bắt và được
thả của các con vật phóng sinh trước cổng chùa. Có người mua thì sẽ có kẻ bắt,
có người hoan hỉ khi hành thiện xong thì cũng có người mừng vui vì có được tiền.
Người ta mua chim để thả, người bắt chim để kiếm tiền, hai câu chuyện chỉ có một
kết cuộc đó là cái chết của con chim phóng sinh khi không chịu nổi vòng lặp ấy.
Người mua và kẻ bán đều được lợi cho mình, cả hai đều góp phần vào cái chết của
con chim. Tích đức hay tạo nghiệp? Ranh giới mong manh lắm.
Cái gì cũng phải có đường hướng
và cách thức, không thì nó chỉ là sự ô hợp, hại nhiều hơn lợi. Từ thiện cũng vậy,
nếu không đúng cách thì nó chỉ là sự tiếp nối của những sai lầm mà con người ta
lầm tưởng là tốt. Quí vị có bao giờ tự hỏi tại sao ăn mày lại tập trung trước cổng
chùa mỗi dịp lễ nhiều đến vậy không? Tại vì họ biết sẽ có người cho, không ít
thì nhiều. Càng cho thì những người “kém may mắn” càng xuất hiện. Nếu cứ nghèo
mà có người cho tiền thì họ sẵn sàng nghèo, không nghèo thì đóng giả, tội gì.
Chăn dắt trẻ em, giả ăn xin ra đời từ đó. Bạn cho tiền đứa trẻ thì đứa trẻ sẽ bỏ
học đi xin tiền nhưng bạn xây cho nó cái trường thì nó sẽ biết cách kiếm tiền từ
những gì được học. Từ thiện nó là sự hỗ trợ lâu dài, từ thiện thời vụ thì hiệu
quả nó cũng có tính thời vụ, đơn giản vậy thôi.
Càng thông thái, càng giàu có
người ta càng nhận ra rằng cho tiền trực tiếp người nghèo không bao giờ mang lại
kết quả tốt. Nó như vòng lặp của những con chim phóng sinh khi mà tiền đưa ra
và người nghèo xuất hiện, cứ như thế mãi. Họ sẽ không căm ghét cái nghèo, tìm
cách thoát nghèo nếu nghèo là công cụ kiếm ăn. Các nhà từ thiện tiến bộ họ luôn
có một quỹ, một tổ chức từ thiện hay dễ thấy nhất là học bổng, trường hợp khẩn
cấp thì họ cung cấp nhu yếu phẩm. Bản chất của từ thiện là hỗ trợ, nâng đỡ để
người khác tự vươn lên SAU KHI mọi việc đã qua. Bản chất của cho tiền là khuyến
khích người ta lười nhác. Đó là chưa kể tiền mặt luôn có mặt trái của nó. Ngay
cả anh em trong nhà đương hòa thuận nhau đến lúc chia tài sản không đều còn cạch
mặt, đâm chém nhau chứ đừng nói tiền từ trên trời rơi xuống. Trên bình diện rộng
hơn, một xã, một thôn đang yên bình tự nhiên phát tiền cho người này nhiều, người
kia ít, người nhanh chân có, người chậm chân không thì không xào xáo mới là
chuyện lạ. Chuyện trưởng thôn đi thu lại tiền để tái phân bổ cũng chỉ là một nỗ
lực cực nhỏ trong cố gắng cân bằng lại cái mớ hỗn độn mà việc phát tiền công
khai loạn xạ để lại. Và cũng nói luôn là không có sự nhất trí đồng thuận của cả
xóm, cả thôn thì còn lâu mới thu được tiền.
Từ thiện sai cách, thiếu
chuyên nghiệp nó là sự lãng phí, là sự chạy đua vô nghĩa của những con số và là
áp lực vô hình của chính người được nhận sự từ thiện đó. 24 tỷ hay 150 tỷ thì
giá trị nó nằm ở đâu? Hiệu quả nó thể hiện như thế nào đối với những nơi mà
lai-chim không tới được? Sẽ không bao giờ có câu trả lời khi mà chúng ta chỉ
làm từ thiện như một thói quen.
0 Nhận xét