Mỗi đợt dịch Covid-19 bùng
phát, những gì chúng ta thấy không chỉ là hình ảnh các các chiến sỹ công an đi
từng ngõ, gõ của từng nhà điều tra dịch tễ, khoanh vùng, ngày đêm canh giữ khu
cách ly, chăm sóc người tập trung cách ly, các chiến sỹ phòng hóa học đi khử
trùng từng khu vực nghi nhiễm, đội ngũ y bác sỹ cật lực cứu chữa bệnh nhân mà
còn có một vị Thủ tướng vội vã, khẩn trương bước đến phòng họp trực tiếp chỉ đạo,
làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và một vị Phó Thủ
tướng mất ngủ, xuyên đêm cụ thể hóa những chỉ đạo của Chính phủ.
Khi con số lây nhiễm Covid-19
trong cộng đồng trong một ngày lớn và chưa thấy có điểm dừng thì không chỉ có
người dân lo lắng mà những người lãnh đạo chính là những người mất ăn mất ngủ đầu
tiên. Làm sao để ngăn chặn số ca lây lan, làm sao để bảo vệ tính mạng và sức khỏe
của người dân, làm sao để kiểm soát tình hình dịch bệnh, làm sao để người dân
đón năm mới an tâm nhất,… hàng loạt câu hỏi mà họ phải trăn trở, tìm lời giải
đáp cấp tốc. Những đêm không ngủ, những ngày căng thẳng lên phương án phòng chống
dịch có lẽ làm những người làm lãnh đạo như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thành Long và các lãnh đạo tỉnh ủy Hải
Dương, Quảng Ninh, Hà Nội sẽ vất vả hơn rất nhiều, bên cạnh công tác Đại hội
XIII.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm
có thêm 82 ca nhiễm ở Hải Dương và Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ
trì phiên họp khẩn Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống
dịch Covid-19 tại phòng họp ở Đại hội Đảng XIII (Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà
Nội). Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Chúng ta đã phản ứng
cương quyết, kịp thời, thái độ dứt khoát, mạnh mẽ hơn. Cần khoanh vùng, cách ly
truy vết thần tốc trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh; tiếp tục thực
hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ”. Mệnh lệnh phát đi như một liều thuốc
trấn an tinh thần của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương lẫn người
dân trong thời điểm Tết Nguyên Đán cận kề.
Bên hành lang Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ: “Dù
thức suốt đêm để chỉ đạo và tình hình đang được kiểm soát. Dù rất mệt nhưng
hoàn toàn có lòng tin là chúng ta sẽ kiểm soát được”. Trưởng Ban chỉ đạo
quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng khẳng định chúng ta luôn chuẩn bị sẵn
sàng cho tinh thần dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng có thể nói ổ dịch
ở TP. Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn những
lần chúng ta phát hiện trước đây. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải phản ứng
nhanh nhất có thể. Đây là biến thể mới của virus, lây lan rất nhanh nên ngay
sau khi nhận được thông tin tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bộ Y tế không lãng
phí một giờ phút nào, vào cuộc ngay lập tức khi có thông tin. Rất nhanh chóng,
Bộ Y tế đã cử hơn 1000 người xuống Hải Dương hỗ trợ. Với tinh thần là khoanh gọn
nhất, dập nhanh nhất có thể, không để dịch lây lan rộng, chúng ta đã có kết quả
xét nghiệm của các mẫu F1 và cũng chưa bao giờ phát hiện cùng lúc nhiều ca dương
tính như vậy (82 ca).
Cách đây 1 tuần, Chính phủ đã có
những văn bản chỉ đạo các tỉnh về phòng chống dịch nhưng trong tình hình mới cần
phải siết lại. Các bộ, ngành, thành viên trong Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống
dịch Covid-19 tập trung làm đúng theo chức năng của mình. Cùng với những hành động
mà cả bộ máy Chính phủ đã làm trong những ngày gần đây thì chúng ta có cơ sở để
hiểu được phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Ở Đà Nẵng thời
gian phát hiện dịch là 23 ngày. Lần này là 10 ngày và chúng tôi đang có quyết
tâm dập dịch trong 10 ngày”.
Dịch bệnh xảy ra ở Hải Dương và
Quảng Ninh thì cũng có thể xảy ra ở địa phương khác. Chúng ta có đường biên giới
trên bộ, trên biển rất dài, đón chuyên gia nước ngoài, lao động kỹ thuật cao
vào phục vụ mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Hơn nữa, dịch
Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, thật khó có thể nói Việt
Nam sẽ không có ca nhiễm mới. Nhưng nếu làm đúng các hướng dẫn, quy trình theo
đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người đứng đầu các địa phương, các
cơ quan trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình và chỉ đạo, người dân nghiêm túc
thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh
và nhân dân sẽ có một cái Tết an lành.
Đặng Trường
0 Nhận xét