[tintuc]
Tuần lễ bất ổn chưa từng thấy của ông Trump

Các nguồn tin cho biết những ngày cuối của ông Trump chìm trong cô độc và giận dữ, khi ngày càng nhiều nhân sự Nhà Trắng quay lưng với tổng thống.

“Chúng ta sẽ diễu hành dọc Đại lộ Pennsylvania”, Tổng thống Trump cổ vũ đám đông người ủng hộ đang hò reo trước Nhà Trắng, kêu gọi họ cùng ông tiến về Điện Capitol hôm 6/1.

Nhưng ông Trump đã không xuống đường. Cuộc tuần hành kết thúc bằng vụ bạo loạn tại thành trì thiêng liêng của nền dân chủ nước Mỹ, đẩy những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump vào bất ổn không thể lường trước kết quả.

Thực tế, Tổng thống Trump muốn tham gia cuộc tuần hành cùng hàng chục nghìn người ủng hộ trung thành nhất. Những ngày trước buổi họp của lưỡng viện, Tổng thống Trump nói với các trợ lý ông dự định cùng người ủng hộ đi tới Điện Capitol để bày tỏ sự bất bình.

Nhưng Cơ quan Mật vụ cảnh báo lực lượng an ninh không có cách nào bảo đảm an toàn cho tổng thống nếu ông quyết hành động như vậy, hai nguồn tin cho biết. Tổng thống Trump cuối cùng buộc phải hài lòng với phương án ở lại Nhà Trắng và theo dõi diễn biến qua truyền hình.

Vụ bạo loạn tại Điện Capitol khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cảnh sát. Không chỉ vậy, cuộc tấn công đã làm lu mờ các thành tựu mà Tổng thống Trump đạt được suốt 4 năm qua.

 

Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị luận tội hai lần

Trong suốt tuần lễ sau vụ bạo loạn, bài phát biểu chứa đầy phẫn nộ và bất bình của Tổng thống Trump hôm 6/1 trở thành trung tâm trong nỗ lực luận tội lần hai mà Hạ viện đang tiến hành. Ông Trump bị cáo buộc kích động nổi loạn.

Kết quả bỏ phiếu hôm 13/1 tại Hạ viện đã biến ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị luận tội hai lần. 10 nghị sĩ từ chính đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết luận tội ông Trump do phe Dân chủ đề xuất.

Mặc dù vậy, diễn biến tại Hạ viện ít có khả năng khiến ông Trump bị phế truất trước ngày 20/1, bởi hiện Thượng viện chưa lên kế hoạch nhóm họp. Lúc này, Thượng viện là cơ quan quyền lực duy nhất có thẩm quyền phế truất Tổng thống Trump.

Dẫu vậy, bước đi của Hạ viện đã khép lại một tuần lễ bất ổn chưa từng có cho Tổng thống Trump, dù sự ổn định cũng là điều hiếm khi duy trì quá lâu trong suốt 4 năm nhiệm kỳ của ông.

Những ngày cuối của ông Trump tại Nhà Trắng đang chìm trong bất ổn và giận dữ, nhiều nguồn tin cho biết. Tổng thống không có lựa chọn nào khác ngoài theo dõi các thảo luận về luận tội qua truyền hình, ông nổi giận với sự quay lưng của các nghị sĩ Cộng hòa.

Quan hệ của ông Trump với Phó tổng thống Mike Pence gần như tan vỡ. Các trợ lý, thành viên nội các, giới nghị sĩ Cộng hòa liên tiếp rời bỏ tổng thống. Ông bị cấm cửa trên Twitter, Facebook, trong khi các doanh nghiệp đồng loạt tẩy chay Tổng thống Trump và tập đoàn ông sở hữu.

Các quan chức trong chính quyền cho biết số quan chức trung thành với ông Trump đang giảm đi qua từng ngày.

Những người còn lại phải chật vật kiềm chế và xoa dịu vị tổng thống cáu kỉnh và nóng giận vì bị cô lập, người tới nay vẫn bướng bỉnh bám víu vào những cáo buộc gian lận bầu cử vô căn cứ. Họ đồng thời phải bảo đảm Nhà Trắng vẫn hoạt động, cho tới khi chính quyền Biden tiếp quản quyền lực.

“Mọi người cảm thấy họ đang cố làm những gì tốt nhất có thể để mọi thứ không đổ vỡ cho tới khi ông Biden nhậm chức”, một cố vấn của ông Trump nói.

 

Trợ lý chỉ muốn tránh mặt ông Trump

Cuộc bạo loạn hôm 6/1 diễn ra sau hai tháng Tổng thống Trump dành mọi nguồn lực cho chiến dịch phủ nhận tính chính danh của cuộc bầu cử tháng 11/2020. Ông Trump ban đầu tuyên bố chiến thắng áp đảo, và sau đó cáo buộc chiến thắng của ông bị “đánh cắp” bởi gian lận bầu cử.

Nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử chiếm phần lớn quỹ thời gian của Tổng thống Trump suốt hơn 2 tháng qua.

Hai ngày sau cuộc bầu cử, con gái Ivanka đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao Nhà Trắng về đường đi nước bước trong thời gian hậu bầu cử.

“Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, chúng ta đã có một cuộc chạy đua tuyệt vời”, Ivanka nói, một nguồn tin cho biết.

Thế nhưng, không ai trong đội ngũ thân cận có thể thuyết phục Tổng thống Trump thừa nhận thất bại và sử dụng những tuần cuối cùng để tổ chức các sự kiện tôn vinh những thành tựu đã đạt được.

Không ít trợ lý từng đặt niềm tin ông Trump có thể trở thành một thế lực trong đảng Cộng hòa những năm kế tiếp, hay thậm chí chiến thắng nhiệm kỳ hai nếu chạy đua năm 2024.

Nhưng tương lai chính trị của ông Trump giờ đã bị tổn hại ở mức không thể cân đo hết sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Nếu bị Thượng viện luận tội, ông Trump có khả năng bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong chính quyền tương lai.

Ngay từ trước vụ tấn công Điện Capitol, ông Trump đã mang tâm trạng u ám suốt nhiều ngày, khi không thể đảo ngược kết quả bầu cử tại các bang chiến trường trọng yếu, bất kể sử dụng công cụ pháp lý hay sức ép chính trị.

Các phụ tá cố gắng tìm cách tránh mặt ông Trump bởi tổng thống thường giao cho họ những công việc không có lời giải liên quan tới cáo buộc gian lận bầu cử, ba nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết.

Tâm trạng Tổng thống Trump tiếp tục lao dốc sau sự kiện 6/1, khi Twitter đình chỉ dài hạn tài khoản @realDonaldTrump. Hàng loạt nền tảng mạng xã hội nối bước Twitter cấm cửa Tổng thống Trump sau đó.

Khi Tổng thống Trump không thể tìm được nền tảng mạng xã hội thay thế, con rể Jared Kushner và một số trợ lý cấp cao đã thuyết phục ông Trump không đăng ký tài khoản trên các mạng xã hội nhỏ cực hữu, tin rằng đây không phải công cụ phát ngôn phù hợp đối với ông chủ Nhà Trắng.

Các cựu quan chức, cũng như đương nhiệm, cho biết họ bất ngờ trước cách Tổng thống Trump đối xử với Phó tổng thống Mike Pence, người từng là đồng minh trung thành và đáng tin cậy suốt nhiệm kỳ.

Ông Trump đã liên tiếp công khai chỉ trích cấp phó vì không đồng ý hỗ trợ tại phiên họp của lưỡng viện, dù phó tổng thống không có thẩm quyền bác bỏ phiếu bầu của đại cử tri đoàn. Tổng thống Trump cũng không hề gọi điện hỏi thăm khi ông Pence lâm vào nguy hiểm giữa cuộc bạo loạn 6/1, một trợ lý tiết lộ.

Chỉ tới hôm 11/1, dưới sự dàn xếp của Ivanka và Jared Kushner, tổng thống và phó tổng thống mới có cuộc gặp riêng tại phòng Bầu dục. Quan hệ giữa hai ông Trump và Pence sau đó đã được cải thiện, một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Ngày 12/1, Phó tổng thống Pence gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tuyên bố ông sẽ không kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump.

 

Ai đi, ai ở?

Không phải mọi nhân sự ở Nhà Trắng đều hòa giải với Tổng thống Trump như Mike Pence.

Phó cố vấn An ninh quốc gia Matt Pottinger, trợ lý phụ trách chính sách về Trung Quốc, nhanh chóng từ chức, hành động được coi là phản đối mạnh mẽ đối với Tổng thống Trump sau vụ bạo lực. Ít nhất 5 trợ lý cấp cao về chính sách đối ngoại sau đó đã theo chân ông Pottinger.

Hai thành viên nội các gồm Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao, vợ của lãnh đạo đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos cũng đã từ chức để phản đối ông Trump.

Một số quan chức cho biết họ phải “nghiến răng” kiềm chế và ở lại, dù tức giận với ứng xử của Tổng thống Trump trong vụ bạo loạn hôm 6/1.

Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien và Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone là hai trong số những quan chức cấp cao được các đồng minh của ông Trump thuyết phục ở lại.

Một số quan chức lựa chọn ở lại đã nhân cơ hội này để thúc đẩy các thay đổi chính sách quan trọng trước khi rời nhiệm sở, nhiều nguồn tin cho biết.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thúc đẩy thành công những bước đi đối ngoại gây tranh cãi mà không tham vấn đầy đủ với Nhà Trắng, một trong số đó là dỡ bỏ các hạn chế trong quan hệ với Đài Loan, khiến Trung Quốc nổi giận.

Ông Pompeo cũng đưa Cuba trở lại danh sách nhà nước tài trợ khủng bố, đồng thời liệt phong trào Houthi do Iran hậu thuẫn vào danh sách tổ chức khủng bố.

 

Ân xá cho bản thân và gia đình?

Trong thời gian ít ỏi còn lại, một trong các ưu tiên mà ông Trump dành nhiều thời gian là sử dụng quyền lực tổng thống để ân xá cho các đồng minh, ba nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết.

Câu hỏi lớn nhất hiện giờ là liệu ông Trump có tự ân xá cho chính mình và các thành viên gia đình trước khi rời Nhà Trắng hay không. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa tổng thống nào từng tự ân xá cho chính bản thân.

Tới nay, ông Trump vẫn kín tiếng về kịch bản tự ân xá nêu trên. Một quan chức nói lệnh ân xá cho chính mình sẽ được ông Trump sớm đưa ra.

Khả năng Tổng thống Trump ra quyết định gây tranh cãi chưa có tiền lệ như vậy đã cấp số nhân trong bối cảnh bài phát biểu hôm 6/1, khi tổng thống kêu gọi người biểu tình “chiến đấu” vì ông, có thể khiến ông đối mặt cáo buộc hình sự.

Trước đó, ông Trump đã ân xá cho nhiều đồng minh và cựu quan chức dưới quyền như Michael Flynn, Roger Stone, Paul Manafort và ông thông gia Charles Kushner.

Bản thân ông Trump và các thành viên gia đình có nguy cơ đối mặt các vụ kiện, bao gồm cuộc điều tra của chính quyền New York nhắm vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn Trump.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên tin rằng hành động cuối cùng trên cương vị tổng thống của ông Trump sẽ là ân xá cho bản thân và thành viên gia đình. Lệnh ân xá của tổng thống sẽ bảo vệ đối tượng được ân xá trước các tội danh theo luật pháp liên bang.

Tự ân xá cho bản thân là điều chưa từng có tiền lệ đối với một tổng thống Mỹ. Các luật sư về hiến pháp cho biết hiện chưa có câu trả lời chắc chắn lệnh tự ân xá của tổng thống cho chính mình có hợp pháp hay không.

(Theo New York Times) 

 

Tranh cãi quyền lực của mạng xã hội sau đòn khóa tài khoản của Tổng thống Trump

Việc các mạng xã hội đồng loạt có động thái cứng rắn với tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên tranh cãi về vai trò thực sự của các nền tảng này trong hệ thống chính trị.

Tài khoản Twitter với hơn 80 triệu người theo dõi từng được xem là "loa phóng thanh" của Tổng thống Donald Trump trong suốt 4 năm cầm quyền. Nhưng vào ngày 8/1, Twitter tuyên bố khóa tài khoản của ông chủ Nhà Trắng. Mạng xã hội này thậm chí cảnh báo nếu có thêm vi phạm, tài khoản của ông Trump sẽ bị đóng vĩnh viễn.

Twitter cho rằng các nội dung mà Tổng thống Trump đăng tải có "nguy cơ kích động bạo lực", sau khi những người ủng hộ ông đã gây ra vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội hôm 6/1 khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Twitter cảnh báo việc tiếp tục để ông Trump sử dụng mạng xã hội này có thể dẫn đến những vụ bạo lực khác.

"Nối gót" Twitter, các mạng xã hội khác cũng thể hiện thái độ cứng rắn với Tổng thống Trump.

Theo Reuters, Facebook và Instagram tuyên bố tài khoản của ông Trump sẽ bị khóa "ít nhất" cho tới khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, dự kiến vào ngày 20/1. Lãnh đạo Facebook nói rằng việc cho phép ông Trump tiếp tục sử dụng dịch vụ trong giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Snapchat, một mạng xã hội có quy mô nhỏ hơn, cũng đóng tài khoản của Tổng thống Trump vì cho rằng tài khoản này kích động bạo lực.

Việc đồng loạt khóa tài khoản của Tổng thống Trump đã đánh dấu hành động mạnh mẽ nhất mà các công ty vận hành mạng xã hội từng thực hiện, nhằm thực thi các quy định về việc cho phép người dùng có thể hoặc không thể đăng tải bất kỳ nội dung nào trên nền tảng mạng xã hội của họ.

Trước đây, cả Twitter và Facebook đều nói rằng các chính trị gia sẽ được áp tiêu chuẩn thấp hơn so với người sử dụng thông thường, vì các nội dung do họ đăng tải trên mạng xã hội, ngay cả những nội dung bị cho là sai sự thật và kích động bạo lực như những gì ông Trump từng viết, đều thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên gần đây, các mạng xã hội đã dán nhãn cảnh báo, thậm chí chặn nhiều bài viết bị cho là không đúng sự thật hoặc có khả năng gây hại. Chẳng hạn Twitter đã "tuýt còi" một số dòng tweet của Tổng thống Trump về bầu cử Mỹ, cho rằng nội dung của các bài viết này gây tranh cãi.

Không chỉ dừng lại ở các bước trên, các mạng xã hội còn thực hiện biện pháp mạnh tay hơn là khóa tài khoản, thậm chí khóa vĩnh viễn, nếu cảm thấy có điều bất thường xảy ra. Việc thẳng tay khóa tài khoản của Tổng thống Trump chứng tỏ rằng, các "ông lớn" mạng xã hội như Facebook hay Twitter cảm thấy cần đặt ra giới hạn cho những nội dung mà họ cho rằng không phù hợp.

 

Phản ứng trái chiều

Có nhiều phản ứng trái chiều xung quanh động thái của các mạng xã hội đối với Tổng thống Trump.

Các đối thủ của ông Trump và nhiều học giả nghiên cứu truyền thông xã hội hoan nghênh động thái trên, thậm chí một số còn nói rằng các mạng xã hội hành động như vậy là quá muộn.

Sau khi tài khoản cá nhân bị khóa, ông Trump đã sử dụng tài khoản chính thức dành cho tổng thống Mỹ để cáo buộc Twitter tìm cách "bịt miệng" ông, tuy nhiên Twitter cũng xóa những dòng tweet này. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cân nhắc xây dựng một nền tảng riêng trong tương lai.

Trong khi đó, một số chính trị gia hàng đầu của đảng Cộng hòa đã lên án động thái của các mạng xã hội đối với Tổng thống Trump.

"Việc phát ngôn nên được tự do, dù cho các bạn có đồng tình hay không", Bộ trưởng Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị Mỹ Ben Carson nhận định.

Theo Bloomberg, một số nhà lãnh đạo cũng lên tiếng phản đối việc các mạng xã hội có hành động "cấm cửa" Tổng thống Trump.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc thiết lập các nguyên tắc quản lý tự do ngôn luận là công việc của các nghị sĩ chứ không phải các công ty công nghệ tư nhân.

Các quan chức Pháp cũng đồng tình với quan điểm của nhà lãnh đạo Đức. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu Clement Beaune cho biết ông "sốc" khi thấy doanh nghiệp tư nhân đưa ra một quyết định quan trọng như vậy.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho rằng chỉ nhà nước mới chịu trách nhiệm về việc thiết lập quy tắc tự do ngôn luận, chứ không phải các "trùm sỏ" công nghệ.

Không chỉ các doanh nghiệp truyền thông xã hội nhắm mục tiêu đến Tổng thống Trump, mà Apple và Google, hai "ông lớn" góp mặt trong gần như toàn bộ điện thoại thông minh trên thế giới, đã xóa ứng dụng Parler khỏi kho ứng dụng của hãng.

Apple và Google nói rằng một số đối tượng gây bạo loạn đã sử dụng Parler, một nền tảng tương tự Twitter được phe cực hữu tại Mỹ ưa chuộng, để lên kế hoạch hành động. Amazon cũng nhanh chóng nhập cuộc, đưa Parler khỏi dịch vụ của hãng.  

Tương tự các lĩnh vực khác, các công ty công nghệ cũng vướng vào các cuộc tranh cãi tại Mỹ trong những năm qua. Đảng Cộng hòa cáo buộc các mạng xã hội kiểm duyệt nội dung của phe bảo thủ, trong khi đảng Dân chủ cho rằng các mạng xã hội cho phép phát tán những thông tin sai sự thật và những lời đe dọa chưa được kiểm chứng. Cả hai đảng đều dọa sẽ siết chặt quản lý các mạng xã hội.

 

Cần cơ chế kiểm soát mạng xã hội?

The Economist nhận định các mạng xã hội dường như không còn đường lùi. Trong khi đó, sự lo ngại về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mạng xã hội không chỉ giới hạn trong các đảng phái chính trị ở Mỹ.

Anh, Australia, Singapore, Brazil và Liên minh châu Âu đều đã thông qua hoặc đang xem xét các quy định mới nhằm điều chỉnh mạng xã hội. Việc khóa tài khoản của Tổng thống Trump, chính trị gia quyền lực nhất thế giới, khiến tranh cãi về mạng xã hội càng thêm tăng nhiệt. Các chính sách nội bộ của các doanh nghiệp vận hành mạng xã hội về việc kiểm duyệt nội dung sẽ được soi xét kỹ hơn.

Cho đến nay, hầu hết phân tích chỉ tập trung vào tác động của mạng xã hội tới chính trị Mỹ. Tuy nhiên, một số quốc gia khác cũng đang "đau đầu" với vấn đề này. Tại Ấn Độ, Facebook vướng vào cuộc tranh cãi giữa hai đảng chính trị, trong đó có đảng cầm quyền, khi đảng này đổ lỗi cho Facebook ưu ái đảng kia. Tại Philippines, Facebook cũng bị cho là một trong những công cụ chính trị quan trọng nhất của giới chức lãnh đạo.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng việc các mạng xã hội như Twitter, Facebook và Instagram áp lệnh cấm đối với tài khoản của Tổng thống Trump đã làm dấy lên câu hỏi lớn về việc các mạng xã hội cần phải được kiểm soát như thế nào.

Bộ trưởng Hancock nhận định, các lệnh cấm đã cho thấy các mạng xã hội đang trực tiếp đưa ra những quyết định về kiểm duyệt thông tin. Các nhà vận động xã hội muốn các mạng xã hội phải được coi là các đơn vị "xuất bản", thay vì là các "nền tảng" như hiện nay, đồng nghĩa với việc các mạng xã hội cần chịu sự kiểm soát nhiều hơn.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, việc kiểm soát mạng xã hội có thể cho phép các chính phủ hạn chế quyền tranh luận.

Theo BBC, từ lâu đã nổ ra cuộc tranh luận về việc liệu các công ty vận hành mạng xã hội có cần được coi là các "nhà xuất bản" theo quy định của luật pháp hay không. Nếu là nhà xuất bản, các công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc xử lý các nội dung do người dùng đăng tải.

"Các nền tảng mạng xã hội đang đưa ra những quyết định mang tính kiểm duyệt. Đó là bởi vì họ đang lựa chọn ai là người được lên tiếng và ai là người phải im lặng trên các nền tảng của họ", ông Hancock nói.

Theo Bộ trưởng Anh, diễn biến này nhiều khả năng sẽ để lại "những hậu quả".

Thành Đạt (dantri.com.vn Tổng hợp)

 

Google đình chỉ tài khoản Youtube của ông Trump

Các "ông lớn công nghệ" của Mỹ đã đồng loạt khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau vụ biểu tình bạo động ở quốc hội hôm 6/1.

Youtube, một công ty thuộc tập đoàn Google, ngày 12/1 thông báo sẽ tạm đình chỉ tài khoản kênh Youtube của Tổng thống Trump do ông Trump đã đăng tải các nội dung vi phạm chính sách của họ. Tuy nhiên, Youtube không nêu rõ video nào của ông Trump vi phạm quy định.

Theo đó, ông Trump sẽ không thể đăng tải video mới hoặc phát trực tiếp trên kênh Youtube trong tối thiểu 7 ngày. Thời gian đình chỉ này có thể gia hạn tùy vào tình hình cụ thể. Trong thời gian đó, người theo dõi vẫn có thể xem được các video đã đăng tải trước đó của ông Trump.

"Sau khi xem xét kỹ lưỡng và xuất phát từ những lo ngại về nguy cơ bạo lực, chúng tôi đã gỡ các nội dung mới đăng trên kênh Donald J. Trump và phát cảnh báo vi phạm chính sách vì kích động bạo lực", thông cáo của Youtube cho hay. Youtube cho biết thêm, họ cũng chặn vô thời hạn bình luận trên kênh của ông Trump.

Kênh Youtube của ông Trump có gần 2,8 triệu lượt đăng ký. Đây là kênh mà ông Trump thường dùng để đăng tải các video của mình hoặc của các kênh truyền thông cánh hữu. Ngoài động thái trên, Google cũng gỡ bỏ ứng dụng mạng xã hội Parler khỏi Google Play Store. Đây là ứng dụng khá phổ biến với những người ủng hộ ông Trump.

Động thái trên của Google diễn ra không lâu sau khi Twitter xóa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump với hơn 88 triệu người theo dõi và Facebook cũng khóa tạm thời tài khoản của ông. Nhiều lãnh đạo châu Âu đã chỉ trích quyết định của Twitter. Giá cổ phiếu của Twitter và Facebook cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, khiến vốn hóa "bốc hơi" hàng chục tỷ USD. Giới chuyên gia cho rằng, điều này là do giới đầu tư lo ngại việc "cấm cửa" ông Trump sẽ khiến người dùng ít quan tâm đến các nền tảng mạng xã hội Twitter và Facebook.

Minh Phương (dantri.com.vn Theo CNBC)

 

[/tintuc]