Hạm đội tàu ngầm Đức dù mạnh nhưng số lượng tàu Nga hiện áp đảo hơn. Trước đây Đức từng có đội tàu ngầm đông đảo, song hiện tại thì chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyên nhân chính của tình trạng này là vì sao?

Hạm đội tàu ngầm Đức rất mạnh nhưng không thể đối đầu với Nga?

Tàu ngầm Đức là phương tiện tác chiến cực kỳ đáng sợ, chúng có chất lượng được đánh giá là vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh từ quá khứ cho đến hiện tại, nhưng hạm đội tác chiến dưới nước của Berlin ngày nay lại tỏ ra không tương xứng với danh tiếng.

Khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hải quân Đế quốc Đức chỉ có 38 chiếc Unterseeboots (thuyền dưới đáy biển), nhưng phương tiện này đã đạt được những thành công đáng kể trước các tàu chiến và tàu buôn của Anh.

Đến cuối chiến tranh, Đức đã đóng 334 chiếc U-boat và có 226 chiếc đang được chế tạo. Sức mạnh đỉnh cao của loại U-boat 140 đạt được vào tháng 10/1917 khi chúng đã phá hủy hơn 10 triệu tấn hàng hải của quân Đồng minh.

Theo một điều kiện của Hiệp ước Versailles, Đức bị cấm sở hữu U-Boats, tuy vậy sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, hải quân nước này đã sớm được trang bị lại U-Boats. Chúng đóng một vai trò đáng kể khi đánh chìm các tàu của Đồng minh trên toàn cầu.



Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức Quốc xã đã chế tạo 1.162 chiếc U-boat , trong đó có tới 785 chiếc bị phá hủy và số còn lại đầu hàng (hoặc bị đánh đắm để tránh rơi vào tay đối phương).

Bắt đầu từ năm 1955, Tây Đức một lần nữa được phép có tàu ngầm, nhưng chỉ bao gồm 2 chiếc U-Boats thời Thế chiến II đã được nâng cấp và sửa chữa. Tuy nhiên Berlin đã sớm tìm cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để vượt qua giới hạn.

Trong suốt phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và ngay cả sau khi Liên Xô tan rã, Đức đã là nhà chế tạo và xuất khẩu tàu ngầm lớn của thế giới và lực lượng tác chiến dưới nước của chính họ đã có những ngày tháng tốt đẹp.

Tuy vậy trong khoảng thời gian từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2018, tất cả sáu tàu ngầm tấn công tối tân Type 212A của nước này đã bị đưa ra khỏi biên chế, do cơ sở hạ tầng quốc phòng thiếu thốn và thiếu thủy thủ.

Nhận thấy các vấn đề gây hạn chế, cũng như việc Hải quân Nga tăng cường hoạt động trên các vùng biển xung quanh, Berlin đã tìm cách khắc phục tình hình, và năm ngoái, Hạ viện Đức đã phân bổ hàng tỷ Euro cho việc hiện đại hóa hạm đội.

Điều này đã dẫn đến việc đóng thêm hai chiếc Type 212 thế hệ mới. Các tàu ngầm phân lớp này được gọi là Type 212CD, sẽ được chế tạo như một phần của hợp tác quốc phòng Đức - Na Uy đã được lên kế hoạch.

Ngoài ra, tất cả 6 tàu ngầm động cơ diesel-điện trang bị hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí (AIP) của Đức đã được đưa trở lại hoạt động. Chúng được trang bị công nghệ AIP do tập đoàn Siemens phát triển, cho phép lặn trong thời gian dài.

Tàu ngầm Type 212A có thể hoạt động ở cả vùng biển khơi và vùng duyên hải. Những con tàu với chiều dài khoảng 56 mét này có thể di chuyển với tốc độ 20 hải lý/giờ trong trạng thái lặn với độ ồn cực thấp.

Mặc dù vậy, lực lượng tàu ngầm Đức vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi về số lượng và sẽ không khôn ngoan nếu cho rằng họ có thể đối đầu với Hải quân Nga, lực lượng hiện đang vận hành khoảng 64 tàu ngầm thông thường và hạt nhân.

Mặc dù nhiều tàu ngầm của Nga đã cũ nhưng Moskva chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng, và không chắc Berlin sẽ có một hạm đội U-Boat ở bất cứ đâu gần bằng với những gì đã có trong Thế chiến.